Nước Tòa Thánh Giáo_hoàng_Grêgôriô_XVI

Năm 1830, khi Piô VIII qua đời, các nước Tòa Thánh liền nổi dậy. Tân Giáo hoàng Grêgorio XVI nhờ quân đội Áo đến tái lập trật tự (25-3-1831) nên bị coi là đối thủ của tự do. Nhưng lại mất Bolonia về tay Áo trong 7 năm và quân đội Pháp đến chiếm đóng Ancona. Bấy giờ một cao trào dâng lên chống Áo thực dân, quân của Giáo hoàng phải tốn nhiều công mới dẹp được những vụ bạo động. Ông dựa vào quyền lực của khối Liên Minh Thánh (Áo, Phổ, Nga) để điều hành giáo triều. Với sự giúp đỡ của nước Áo, ông cứng rắn dẹp tan cuộc nổi dậy chào mừng sự đắc cử của ông trong các Quốc gia của Giáo hội.

Từ năm 1821, nhiều cường quốc đã gửi đến Giáo triều những khuyến cáo đời cải tổ nước Tòa thánh, và năm 1831, họ nhắc lại một lần nữa. Nhưng Giáo hoàng cũng như các hồng y Quốc vụ khanh Bernitti và Lambruschini đã không làm được gì cho công cuộc cải tổ, như cho thường dân tham gia vào chính quyền, nhìn nhận quyền hành chính tại các thị xã.

Đã từ lâu ngành hành chính lẫn tư pháp gặp nhiều thiếu sót và đến lúc có thể nói là trầm trọng. Đường xe lửa, dây điện không được phép đặt trên nước Tòa thánh. Công nợ gia tăng mỗi năm một cách đáng lo ngại.

Giáo hội còn có thái độ tiêu cực trước phong trào thống nhất quốc gia Ý mỗi ngày một dâng cao, mà các thủ lĩnh đang tìm hết cách để tạo dựng một thời đại Phục hưng. Đảng "Nước Ý trẻ" được thành lập năm 1831 do luật sư G. Mazzini điều khiển là một Đảng cách mạng đấu tranh đòi lật đổ các "bạo chúa"nhất là quyền tối cao của Giáo hoàng.